PHỤC HÌNH CỐ ĐỊNH VÀ NHA CHU (P1)
PHỤC HÌNH CỐ ĐỊNH VÀ NHA CHU
1. 1. Triệu chứng lâm sàng của chấn thương khớp cắn
Tiêu xương theo chiều dọc
Trước đây, người ta cho rằng tiêu xương theo chiều dọc và lung lay răng là triệu chứng lâm sàng quan trọng của chấn thương khớp cắn (Glickman, 1965, 1967). Tuy nhiên, vấn đề này đã được xem xét lại và người ta phát hiện ra rằng tiêu xương theo chiều dọc cũng xảy ra trong trường hợp khớp cắn bình thường (Waerhaug, 1979). Điều này có nghĩa rằng, tiêu xương theo chiều dọc không phải là dấu hiệu riêng biệt của chấn thương khớp cắn.
Răng lung lay
Răng lung lay, về phương diện lâm sàng là thuật từ chỉ sự di chuyển quá mức bình thường của răng. Thực tế, răng lung lay có thể gặp trong trường hợp chấn thương khớp cắn. Tuy nhiên, nó cũng có thể là hậu quả của tình trạng giảm chiều cao xương ổ răng do bệnh nha chu liên quan mảng bám, mà không hề có tiêu xương chiều dọc đi kèm. Răng lung lay do cản trở cắn khớp có thể là chỉ báo cho tình trạng thích nghi của mô nha chu với yêu cầu chức năng, nghĩa là trước đó có tình trạng lung lay tăng dần (progressive tooth mobility) do chấn thương khớp cắn và cuối cùng là dây chằng nha chu giãn rộng, nhưng các thành phần cấu trúc mô nha chu vẫn bình thường.
Tình trạng răng lung lay tăng dần
Trong chương 14, người ta kết luận rằng chẩn đoán chấn thương khớp cắn chỉ có thể dựa trên tình trạng lung lay tăng dần của răng. Để xác định tình trạng lung lay tăng dần này, người ta cần phải thực hiện các nghiệm pháp đo đạc lặp lại nhiều lần trong khoảng thời gian từ vài ngày cho đến vài tuần.
2. 2. Di chuyển thân răng và chân răng
Di chuyển răng nguyên phát và thứ phát
Răng với mô nha chu bình thường có thể di chuyển theo chiều dọc, ngang và giới hạn hơn với chiều xoay. Trên lâm sàng, đánh giá độ di chuyển răng thường được thực hiện bằng cách tác động một lực lên răng và đánh giá khoảng cách di chuyển theo chiều ngoài trong của thân răng, tức di chuyển theo chiều ngang. Sự di chuyển theo chiều ngang này phụ thuộc vào chiều cao xương ổ răng, độ rộng dây chằng nha chu, hình dạng và số lượng chân răng.
Muhlemann (1954,1960) là người đưa ra phương pháp chuẩn trong đo đạc mức độ di chuyển răng. Phương pháp này có thể đo đạc được những di chuyển ở mức rất nhỏ. Ông dùng 1 lực kế nha chu (Periodontometer) với lực khoảng 45kg (100Pound) áp lên răng. Răng bắt đầu nghiêng cùng với hướng lực tác động. Kháng lực từ cấu trúc nâng đỡ với di chuyển răng trong pha khởi đầu tác động lực rất thấp và răng có thể di chuyển được 0.05 – 0,1mm. Muhlemann gọi hình thái dịch chuyển răng này là di chuyển răng nguyên phát, tức dịch chuyển của chân răng bên trong xương ổ răng. Chiều rộng dây chằng nha chu giảm 10% ở vùng chịu lực ép và tăng 10% tương ứng ở vùng chịu lực căng. Muhlemann và Zander phát biểu rằng “ Có lý do chính đáng khi cho rằng di chuyển nguyên phát của chân răng tương ứng với sự tái định hướng của dây chằng nha chu ở vị trí chịu lực chức năng về hướng lực căng”. Di chuyển răng nguyên phát thay đổi tùy theo từng cá nhân, từng răng và phụ thuộc vào cấu trúc và tổ chức dây chằng nha chu. Di chuyển răng nguyên phát ở răng cứng khớp có giá trị bằng 0. Khi tác động 1 lực lớn hơn 225kg (500 pound) bó dây chằng nha chu bên chịu lực căng không đủ sức giữ không cho chân răng dịch chuyển xa hơn. Sự dịch chuyển này gọi là di chuyển răng thứ phát. Sự dịch chuyển tiếp tục trong di chuyển răng thứ phát này là do dây chằng nha chu phía chịu lực ép bị nén và biến dạng. Mức độ di chuyển răng thứ phát cũng tùy theo từng cá nhân, từng răng và giới tính….Theo Muhlemann, di chuyển răng thứ phát ở răng cửa khoảng 0,1 – 0,12mm, răng nanh 0,05 – 0,09mm, răng cối nhỏ 0,08 – 0,1mm, răng cối lớn 0,04 – 0,08mm khi tác động lực 500 pound. Di chuyển răng thứ phát ở trẻ em cao hơn người trưởng thành, nữ cao hơn nam, đặc biệt trong giai đoạn mang thai. Ngoài ra, dịch chuyển răng còn thay đổi theo thời gian trong ngày, cao nhất vào buổi sáng và thấp nhất vào buổi tối.


Shuttles và cộng sự (1992) đề nghị một phương pháp mới để đánh giá tình trạng lung lay răng khi Periotest ra đời. Periotest là một thiết bị đo phản ứng nha chu với lực va đập xác định qua bộ phận gõ (tapping instrument). Bộ phận gõ bằng trụ kim loại được gia tốc đến tốc độ 0,2m/s và duy trì ổn định ở tốc độ này. Cho Periotest tiếp xúc với răng cho đến khi giảm tốc. Thời gian tiếp xúc giữa búa gõ với răng sẽ nằm trong khoảng 0,3 – 2ms. Răng càng cứng chắc thì thời gian này càng ngắn và ngược lại. Thang độ Periotest từ - 8 đến +50, cụ thể trên tình trạng răng như sau:
-8 – +9: Răng vững chắc trên lâm sàng
10 – 19: Răng có dấu hiệu lung lay, có thể phát hiện được
20 – 29: Răng lung lay, nhưng còn trong giới hạn 1mm so với vị trí bình thường
30 – 50: Răng lung lay rõ trên lâm sàng
Periotest rất có giá trị trong đánh giá (1) tình trạng lung lay răng và (2) mức độ bệnh nha chu với tình trạng tiêu xương. Chắc rằng, periotest sẽ được sử dụng không chỉ trong nghiên cứu mà còn cả trên lâm sàng trong tương lai.
Đánh giá lâm sàng răng lung lay (lung lay sinh lý và lung lay bệnh lý)
Nếu như trước kia, trong các đo lường kinh điển độ lung lay của răng, người sử dụng một lực tương đối lớn lên tác động lên thân răng có mô nha chu bình thường và răng sẽ nghiêng bên trong xương ổ cho đến khi chân răng tiếp xúc gần sát với thành xương ổ ở mào xương hay chóp. Mức độ nghiêng răng này được đánh giá thông thường bằng cách sử dụng đỉnh múi răng làm điểm tham chiếu, và gọi là lung lay răng sinh lý. Có lung lay sinh lý thì phải có lung lay bệnh lý, và như vậy, lung lay bệnh lý là gì?
1. Nếu đặt 1 lực tương tự lên răng có dây chằng nha chu giãn rộng, thì độ di chuyển ngang của thân răng sẽ tăng. Kết quả là đo đạc lâm sàng cho thấy độ lung lay tăng lên. Vậy tình trạng răng tăng lung lay này có được xem là bệnh lí không?
2. Việc tăng độ lung lay răng cũng có thể tìm thấy trong trường hợp chiều cao xương ổ giảm nhưng dây chằng nha chu bình thường. Ở những vị trí tiêu xương lan rộng, răng lung lay sẽ càng rõ. Vậy lung lay răng này có được xem là bệnh lý không?
Hình 3a (bên dưới) minh họa một răng với chiều cao xương ổ răng giảm và dây chằng nha chu bình thường. Lực tác động lên răng theo chiều ngang sẽ dẫn đến di chuyển thân răng nhiều hơn so với khi tác động lực tương tự lên răng có chiều cao xương ổ bình thường. Thực sự, vẫn có lý do để gọi tình trạng lung lay răng này là sinh lý. Điều này có thể dễ dàng chứng minh nếu đánh giá sự di chuyển của chân răng tại vị trí mào xương ổ thay vì ở thân răng. Nếu tác động lực theo chiều ngang lên răng như trong hình 3, điểm tham chiếu trên bề mặt chân răng sẽ di chuyển như nhau trong cả hai trường hợp. Rõ ràng rằng, trên quan điểm sinh học, sự di chuyển của chân răng còn trong dây chằng nha chu mới thực sự quan trọng, chứ không phải sự di chuyển của thân răng.
Trong bệnh nha chu liên quan mảng bám, tiêu xương là dấu hiệu nổi bật. Một dấu hiệu kinh điển của nha chu viêm là răng lung lay. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận chân được rằng trong nhiều trường hợp, ngay cả có tiêu xương theo chiều ngang, tình trạng lung lay răng có thể xem là lung lay sinh lý (đánh giá theo như đã bàn luận trên); chân răng di chuyển trong xương ổ răng với dây chằng nha chu còn “bình thường” sẽ là bình thường.
3. Răng lung lay có thể gặp trên lâm sàng khi có lực ngang tác động vào răng gặp trong trường hợp có tiêu xương theo chiều dọc và dây chằng nha chu giãn rộng.Nếu hiện tượng lung lay này không tăng dần trong những lần quan sát kế nhau, chân răng nằm trong dây chằng nha chu giãn rộng, nhưng cấu trúc bình thường, thì cũng được xem là lung lay sinh lý. Bởi vì sự di chuyển này là một chức năng của chiều cao xương ổ và chiều rộng của dây chằng nha chu.
4. Chỉ khi có hiện tượng lung lay tăng dần, mà điều này có thể xảy ra do sự kết hợp với chấn thương khớp cắn và đặc trưng bởi tiêu xương đang diễn tiến và có hiện tượng viêm trong dây chằng nha chu mới được xem là lung lay bệnh lý.

(Xem tiếp P2)
(Theo BS XUANLT)
Không có nhận xét nào